5 điểm đổi mới phương pháp dạy Sử
Lượt xem:
Theo nhận xét của một số giáo viên, việc dạy và học môn Lịch sử ở trường phổ thông hiện rất khó khăn do học sinh không thích. Tình trạng cô đọc, trò chép và kiểm tra bằng cách thuộc lòng, ghi nhớ các sự kiện khiến nhiều em “sợ” bộ môn Lịch sử.
Dạy “chay”, học “chay” gây nặng nề, nhàm chán
Tại hội thảo “Đổi mới phương pháp giáo dục phổ thông để tạo nên những công dân toàn cầu”, do trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) vừa phối hợp tổ chức ngày 27/10, thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên dạy Lịch sử tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, kết quả của kì thi năm 2017 cho thấy, thi trắc nghiệm môn Lịch sử chưa phải là một giải pháp tối ưu để đánh giá hoàn toàn chính xác năng lực của thí sinh.
Do đó, ông Hiếu cho rằng, đổi mới dạy và học môn Lịch sử trong thời kì hội nhập quốc tế là công việc phức tạp. Giáo viên cần có năng lực tư duy, tài năng sư phạm mới đáp ứng được yêu cầu.
Chia sẻ với PV Dân trí, một giáo viên Lịch sử Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) từng chia sẻ, hiện nhiều học sinh chán học Lịch sử do đặc điểm của bộ môn phải ghi nhớ nhiều sự kiện.
Do vậy, thay vì dạy theo cách truyền thống như trước đây, cô đã phải tìm tòi áp dụng các phương thức dạy học khác hiệu quả hơn. Thay vì đọc chép, cô và một số giáo viên áp dụng phần mềm dạy/học Lịch sử điện tử, dùng hình ảnh thay cho lời nói, giúp học sinh dễ ghi nhớ sự kiện.
Thầy Nguyễn Thao Thanh, giáo viên Trường THCS Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng, hiện việc dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông hiện còn nặng nề. Tình trạng dạy chay và học chay, giáo viên nặng về hình thức, trong khi đó nội dung truyền đạt vẫn mang tính chất truyền thống đọc chép, gây khó khăn và nhàm chán cho học sinh trong cách tiếp cận và đồng thời phải ghi nhớ quá nhiều kiến thức.
Do vậy từ vài năm nay, thầy và một số giáo viên ở trường đã áp dụng dạy Lịch sử theo một phần mềm điện tử khiến học sinh thích thú hơn, tiết kiệm thời gian soạn bài và giáo án từ khoảng 2- 3 tiếng/bài, xuống còn khoảng 15- 20 phút/bài.
5 điểm đổi mới
Thầy Hiếu chia sẻ, muốn đổi mới, nâng cao chất lượng dạy Lịch sử theo hướng phát triển năng lực của học sinh, điều cốt lõi đầu tiên là phụ thuộc vào năng lực của mỗi thầy cô giáo dạy Sử.
Đồng thời, ông cũng đưa ra 5 điểm nhằm đổi mới phương pháp dạy học Sử.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của môn Lịch sử cho chính giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh. Thực tế nhiều năm qua vẫn nhiều người coi môn Lịch sử là môn phụ, không ít giáo viên còn cảm thấy tự ti mà chưa thực sự thấy được tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển toàn diện nhân cách của học sinh. Cần nghiên cứu đánh giá khách quan để tìm hiểu nguyên nhân tại sao học trò không thích học, thi.
Thứ hai, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên Lịch sử. Song song với đó là cần tạo điều kiện để giáo viên có cơ hội tham gia tập huấn về kĩ năng dạy Lịch sử. Giáo viên cần chủ động khơi gợi sự sáng tạo của học sinh cùng gia các phương tiện trực quan, đồ dùng học tập phục vụ cho tiết học. Thầy cô có dạy giỏi thì học sinh mới hào hứng học môn đó chứ không chỉ riêng môn Lịch sử.
Thứ ba, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, nhất là vận dụng tiến bộ công nghệ thông tin vào giảng dạy môn Lịch sử. Bởi sách giáo khoa vẫn tồn tại những sai sót khó tránh, trong khi kiến thức lịch sử từ các nguồn khác trên internet được cập nhật hàng ngày. Vì vậy, để dạy Lịch sử theo chủ trương tích hợp các kiến thức liên môn, bản thân các giáo viên cũng cần tận dụng hiệu quả công nghệ thông tin để thu nạp, xử lý thông tin một cách có chọn lọc, kiểm chứng để làm cho bài giảng trở nên sâu sắc, sinh động hứng thú hơn.
Thứ tư, đáp ứng về cơ bản yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học và đời sống giáo viên. Ở nhiều trường học thuộc vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn. Cần từng bước đầu tư các phương tiện dạy học như Internet, máy chiếu, màn hình từ ngân sách nhà nước hay nguồn xã hội hóa giáo dục. Đời sống giáo viên phổ thông nói chung còn nhiều khó khăn, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý.
Thứ năm, cần đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, thi cử. Thực tế việc thi cử của các kì thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào đại học những năm gần đây đã có nhiều sự thay đổi về môn Lịch sử. Lịch sử trở thành một môn thi ‘luân phiên’ theo cách giải thích của Bộ GD&ĐT là bắt thăm để trở thành một môn thi tự chọn trong kì thi THPT quốc gia năm 2016; thành môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội với hình thức trắc nghiệm khách quan trong kì thi THPT quốc gia năm 2017.
Hạnh Nguyên